Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Thánh Phanxicô Assisi

Thánh Phanxicô Assisi
Thánh Phanxicô sinh khoảng năm 1181, tại thành phố Assisi nước Ý. Là con trai của một thương gia buôn vải giàu có, Phanxicô luôn vận những bộ áo sang trọng nhất và tiêu tiền cách tự do. Phanxicô rất được bạn bè quý chuộng vì ngài năng dành nhiều thời gian và tiền bạc để mở tiệc thết đãi các bạn. Với tâm thức thích mạo hiểm và tìm kiếm danh vọng, Phanxicô Assisi đã xông pha chiến trận khi tuổi đời vừa tròn 20. Rồi Phanxicô bị bắt làm tù binh và bị bệnh rất nặng. Sau một năm, ngài được trả tự do và trở về nhà. Khi sức khỏe bình phục, Phanxicô lại cố gắng tham gia chiến trận với hy vọng sẽ trở thành hiệp sĩ. Nhưng trên đường tới chiến trường, Phanxicô nghe tiếng Chúa nói hãy trở về quê nhà ở Assisi, nơi đây Phanxicô sẽ được cho biết phải làm gì với cuộc sống của mình.
Về lại quê hương, Phanxicô Assisi mới nhận ra mình đã phung phí quãng thời giờ quý giá. Ngài ý thức được rằng mình phải phục vụ Giêsu. Phanxicô bắt đầu gia tăng cầu nguyện và làm nhiều việc hy sinh để trưởng thành trong đời sống tâm linh. Thánh nhân thường bố thí tiền bạc cho những người nghèo khổ. Có lần Phanxicô đã đổi bộ áo của mình để lấy bộ áo tơi tả của một người nghèo khó, Phanxicô Assisi muốn thực sự cảm nghiệm cái nghèo cùng cực của người ấy. Phanxicô cũng chăm sóc những người bệnh hủi trong một bệnh viện gần đó. Dẫu vậy, thánh nhân vẫn cảm thấy cần phải làm nhiều việc hơn nữa.
Thật dễ dàng hình dung được các người bạn quý phái cũ của Phanxicô giờ đây nhìn ngài với cặp mắt thế nào! Cả thân phụ của Phanxicô cũng phải xấu hổ vì đường lối mới lạ của con trai mình, và ông đã đem Phanxicô tới cho đức giám mục giáo phận Assisi, hy vọng đức giám mục sẽ khuyên dụ được chàng thanh niên theo ý muốn của ông. Ai ngờ, Phanxicô lại gởi trả cho thân phụ hết mọi thứ ông đã cho mình và tuyên bố rằng mình không thuộc về ông nữa. Và từ giờ phút đó, Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời, chính là người cha của Phanxicô; thánh nhân đặt mình dưới sự bảo trợ của đức giám mục giáo phận thành Assisi.
Thánh Phanxicô Assisi là “hiệp sĩ” của “Đức Mẹ Người Nghèo,” và thánh nhân bắt đầu sống như một người hành khất. Lương thực mà Phanxicô dùng hằng ngày là những thứ người ta bố thí cho ngài. Nơi nào đi qua, thánh Phanxicô Assisi cũng đều van xin người ta đừng phạm tội và hãy sám hối trở về với Thiên Chúa. Chẳng bao lâu, nhiều người bắt đầu nhận thấy người đàn ông nghèo khổ này sống thật tha thiết với Thiên Chúa, và họ đã xin được làm môn đệ của ngài. Đây là lý do mà đại gia đình dòng Phanxicô gồm các anh em linh mục, tu sĩ, nữ tu và dòng Ba hình thành. Họ giúp đỡ những người nghèo khổ và rao giảng khắp nơi. Ngay cả sau khi hội dòng đã lan rộng ra khắp nước Ý, thánh Phanxicô Assisi cũng luôn khuyên dụ con cái mình hãy cố gắng đừng sở hữu bất cứ của gì. Thánh nhân mong muốn các tu sĩ và linh mục dòng ngài hãy thực sự yêu mến đức khó nghèo như ngài.
Thánh Phanxicô Assisi đã sống Tin mừng cách hoàn hảo và rất vui sướng. Thánh nhân cố gắng biến đời sống mình thành bản sao sống động giống Đức Giêsu. Như một phần thưởng dành cho tình yêu lớn lao của thánh Phanxicô, Chúa Giêsu đã ban cho thánh nhân được mang năm Dấu Thánh của Chúa trên tay, chân và cạnh sườn ngài. Sự kiện này xảy ra hồi năm 1224, hai năm trước lúc thánh Phanxicô về trời.
Về cuối đời, thánh Phanxicô Assisi phải đau nặng. Nhưng với tinh thần vui tươi, Phanxicô Assisi đã chào đón cái chết như một người chị. Thánh nhân đã xin anh em đặt mình trên nền đất và chỉ phủ một tấm áo dòng cũ. Sau đó, thánh nhân nài xin anh em hãy yêu mến Thiên Chúa, yêu mến đời sống khó nghèo và hãy sống theo tinh thần Tin mừng. “Cha đã chu toàn phần việc của cha!” thánh Phanxicô Assisi nói, “xin Chúa Giêsu giúp các con hoàn tất phần của các con!” Thánh Phanxicô Assisi về trời ngày mùng 3 tháng Mười năm 1226. Chỉ một thời gian ngắn sau khi qua đời, Phanxicô Assisi được đức thánh cha Hônôriô III tôn phong lên bậc hiển thánh.

Cuộc sống nghèo khó của thánh Phanxicô Assisi là một dấu chỉ cho thấy những của cải vật chất đời này không làm cho chúng ta thỏa mãn và hạnh phúc. Còn niềm vui đích thực thì xuất phát từ lòng yêu mến Thiên Chúa và mô phỏng đời sống mình theo gương Đức Chúa Giêsu. Chúng ta hãy nài xin thánh Phanxicô Assisi chỉ cho chúng ta cách sống Tin mừng vui tươi và giản dị.


Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Đức Chúa là ai vậy ?

Trích sách Châm ngôn  
Con chỉ xin Chúa hai điều,
Ngài đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt :
Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa.
Xin đừng để con túng nghèo,
Cũng đừng cho con giàu có ;
chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng,
kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói :
“Đức Chúa là ai vậy ?”
Hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp,
làm ô danh Thiên Chúa của con.
(Trích sách Châm ngôn 30, 7-9)

Chúa Nhật 26 TN-A

 Chúa Nhật 26 TN-A


TRONG NƯỚC TRỜI
 
Quan niệm bình dân vẫn nghĩ rằng Thiên Ðàng - Nước Trời - là nơi Thiên Chúa thưởng kẻ lành, và hỏa ngục là nơi Ngài phạt kẻ dữ. Trên Thiên Đàng chắc chắn sẽ không có thành phần đầu trộm, đuôi cướp, và đĩ điếm. Nhưng Chúa Giêsu đã nói với các luật sỹ, Pharisiêu, và các thượng tế thời Ngài như sau: “Tôi bảo thật, những kẻ thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Trời trước các ngươi” (Mt 21:31). Và điều này hẳn làm cho nhiều người vốn nghĩ về Nước Trời - Thiên Ðàng với ý niệm và thâm tín như trên cảm thấy khó chịu và thất vọng.

Chúa nói rồi Chúa làm. Cũng qua Tin Mừng thuật lại, trong nước của Ngài, ít nhất cũng đã có mấy người mà bọn luật sỹ, Pharisiêu và thượng tế không muốn nhìn thấy ở đó là: Mađalêna, một cô điếm nổi danh ở Giêrusalem. Máthhêu, nhân viên thu thế. Giakêu. Và tên cướp cùng bị đóng đanh bên phải Chúa trên đồi Golgotha. Saolê - Phaolô - Tông Ðồ Dân Ngoại sau này. Danh sách này chắc còn dài và nhiều lắm. Cũng chính Chúa Giêsu đã có lần nói: “Ta đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng là kẻ tội lỗi” (Mt 9:13). Trong danh sách dài những người như vậy được vào Nước Trời gần với chúng ta nhất là Augustinô, chàng trai phóng đãng, kiêu căng đã bị Chúa chinh phục, đã tìm gặp Ngài và trở nên đại thánh.

     

 
Những tội nhân được Chúa mời gọi.  Điều này mở ra một chân lý về tình thương và nước trời, đó là, con người, tất cả cũng chỉ là những tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Những con nợ, những kẻ làm công ế ẩm đáng thương mà nếu ông chủ nhân lành không rộng rãi tha cho, hoặc ban cho một cơ may được làm việc trong vườn nho của ông, thì cũng đành mắc nợ trọn đời, hoặc chết đói vì túng thiếu.

Một linh mục Dòng Phanxicô nổi tiếng về khoa chiết tự học được trao cho việc khảo cứu và phân tích tự bút - chữ viết - của hơn 20 vị thánh. Nhưng để khách quan và chuyên nghiệp, ông đã không được thông báo và cho biết những chữ viết ấy là của ai và xuất xứ từ đâu. Và kết quả được ghi nhận, theo đó, chỉ có 2 vị trong số những thánh nhân lẫy lừng của Giáo Hội ở vào thời đại gần đây, còn lưu lại được chữ viết, là có căn tính, có khuynh hướng, và có tâm hồn đạo hạnh từ thuở nhỏ. Ngược lại những vị như Tiến sĩ Têrêsa Avilla, cải tổ dòng kín Camêlô. Tiến sĩ Têrêsâ Hài Ðồng Giêsu. Inhaxiô, sáng lập dòng Tên. Phanxicô, sáng lập dòng Phanxicô. Ðaminh, sáng lập dòng Ðaminh. Gioan Bosco, sáng lập dòng Don Boscô, và đông đảo trong số còn lại đều có những khuynh hướng, và cá tính tầm thường, ngược lại với đời sống đạo hạnh như ghen tương, đa mê nhục dục, ham danh lợi, chủ quan, bủn xỉn, và hẹp hòi... Hai vị có bản chất đạo đức đó là Thánh Giáo Hoàng Piô X, và Ðaminh Saviô.

Qua kết quả cuộc khảo cứu trên, chứng tỏ rằng những người đã vào và sống trong Nước Trời, không phải là những người sinh ra với bản tính, tâm thức thánh thiện, hoàn hảo. Họ không nên thánh từ lúc mới sinh. Nhưng như bất cứ ai khác, họ cũng mang trong mình những khuyết điểm, những yếu đuối, và lỗi lầm.

Ðiều mà Chúa Giêsu nói với người Do Thái thời đó, cách riêng, cho những thượng tế, Pharisiêu, và luật sĩ, Ngài cũng muốn nhắn gửi mọi Kitô hữu sau này về thái độ và lề thói phán đoán, xét xử người này, người khác dựa vào ngoại hình, thái độ và địa vị. Một sự so sánh, đáng giá nhằm thỏa mãn tính kiêu căng và tự phụ. Thực tế, họ lại không hơn gì những người mà họ cho là đĩ điếm, trộm cướp, vì tấm lòng của những người này không hẳn như thế, và hoàn cảnh đưa đẩy những người ấy vào những việc làm như thế đôi khi ngoài sự kiểm soát và ước muốn của họ. Tuy nhiên, những người này không vào Thiên Ðàng, không tham dự bàn tiệc Nước Chúa với danh nghĩa một tên cướp, một cô gái điếm, hay một chàng sở khanh, lường gạt. Nhưng bằng tấm lòng tan nát khiêm cung, và thành tâm ăn năn thống hối nhờ vào lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Dụ ngôn người chủ vườn ra thuê thợ cho thấy rõ điều này, ông chủ vì muốn tạo công ăn việc làm, và vì thương những người đứng chờ đợi cả ngày mà không ai thuê họ. Dụ ngôn ông vua nhân từ đã tha cho tên đầy tới bất lương một số nợ, mà dù có bán y, vợ con y, và gia tài y cũng không đủ để trả. Việc Chúa đón nhận Matthêu, Giakêu, tên cướp thống hối, Mađalêna, hay mọi người chúng ta hôm nay trong Giáo Hội của Ngài, cho được tham dự bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa đã nói lên rằng không ai có thể vào Thiên Ðàng, vào Nước Chúa với khả năng và sức lực của mình. Và thông điệp mà Chúa muốn nhắn gửi mọi Kitô hữu qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay là:

1.    Lòng nhân lành của Thiên Chúa vượt xa mọi tội lỗi của con người. Không ai được thất vọng, và từ chối sự tha thứ của Ngài.

2.    Chúng ta không được phê bình, đoán xét, hoặc kết án anh chị em mình dù họ là bất cứ ai. Hãy để việc đoán xét, kết án cho Chúa. Phần chúng ta hãy đối xử thân tình và coi mọi người là anh chị em.

3.    Tất cả chúng ta, mỗi người đều phải chấp nhận thân phận yếu hèn của mình. Tuy nhiên, không ai được quyền dừng lại ở những khuyết điểm ấy, mà phải vươn lên, phải chỗi dậy như người con đi hoang, đã can đảm chỗi dậy và về cùng cha anh.


Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Thứ Năm Tuần XXIV Mùa Thường Niên

"Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều".
(Lc 7,47)

Suy niệm: 
A- Phân tích (Hạt giống...)
Chuyện người đàn bà tội lỗi lau chân Chúa Giêsu:
Nàng là một người nổi tiếng “trong thành ai cũng biết”.
Nàng bày tỏ lòng sám hối rất công khai: 
a/ Trong một bữa tiệc, trước mặt mọi người; 
b/ Không tiếc bình dầu thơm quý giá (khoảng 300 đồng, tương đương với 10 tháng lương);
c/ Quỳ gối dưới chân Chúa Giêsu, khóc nức nở, xổ tóc ra (một cử chỉ có thể bị kết án là tự làm ô nhục), lấy tóc lau chân Chúa.
Câu nói của Chúa Giêsu có thể dùng tóm lược chính xác câu chuyện đời nàng: “tội nàng nhiều nhưng được tha hết vì yêu mến nhiều”.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Cô gái này dạy tôi nhiều điều về sự sám hối:
- Sám hối không phải chỉ là một tâm tình kín đáo che giấu bên trong không cho ai biết. Đôi khi, nếu cần cũng phải bày tỏ bên ngoài.
- Khi bày tỏ, không nên ngại xấu hổ, sợ dư luận, sợ tốn kém. Những xấu hổ, dư luận và tốn kém ấy cũng chính là cách tôi phải chịu để đền tội.
2. Có thể nói “nhờ” phạm nhiều tội lỗi, nên nàng đã yêu mến Chúa nhiều, đã sám hối chân thành và được tha thứ nhiều. Phụng vụ gọi đây là “Tội hồng phúc” (felix culpa).
Xin cho con ý thức về những tội của con là động cơ khiến con càng yêu mến Chúa nhiều hơn.
3. Nàng được tha nhiều nên sau đó nàng càng yêu mến Chúa nhiều hơn. Ước gì đây cũng là tâm tình của tôi mỗi khi tôi lãnh nhận ơn tha thứ qua Bí tích Hòa giải.
Yêu nhiều thì được tha nhiều: yêu là nguyên nhân của tha thứ, được tha nhiều thì càng yêu nhiều: yêu là kết quả của tha thứ.
4. Chuyện này cho tôi thấy được mối liên hệ kì diệu giữa tội lỗi, tình yêu, và tha thứ. Tôi là xấu nhưng sẽ trở thành tốt khi đặt trong mối liên hệ kì diệu ấy.
5. “Tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” (Lc 7,47)
Trước khi về trời Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ và cũng là cho tôi một kỷ niệm là Thập giá Tình yêu. Vâng, chính Thập giá của Đức Kitô đã xóa đi muôn vàn tội lỗi của tôi và của bạn, và mở ra cho chúng ta một cuộc sống mới, cuộc sống Phục sinh.
Hình ảnh của người phụ nữ tội lỗi được Chúa tha thứ hết tội lỗi, nhắc nhở tôi rằng: Thiên Chúa không chỉ có tình yêu mà Ngài là Tình yêu.
Càng sống yêu thương, tôi càng dễ nhận ra Chúa hiện diện trong tôi. Những lúc từ chối tình yêu, tâm hồn tôi trở nên trống vắng và cô đơn, tôi trở nên ích kỷ, xa rời tình thương của mọi người.
Lạy Chúa Tình yêu, xin cho con không chỉ biết khóc lóc ăn năn tội lỗi của mình, mà còn biết bù đắp lại bằng chính tình yêu của con. (Hosanna)
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Với thân phận yếu đuối bất toàn, chúng con xin mượn lời của thánh Phê-rô để thưa lên cùng Chúa: "Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa". Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa sống yêu thương mọi người. Yêu thương người công chính và yêu thương cách đặc biệt với những kẻ tội lỗi.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, chúng con cám ơn Chúa đã không từ khước đến dùng bữa ở nhà người tội lỗi. Chúa cũng không từ chối lòng ăn năn sám hối chân thành của người phụ nữ tội lỗi khi bà lấy tóc lau chân Chúa. Và hôm nay, tình thương đó Chúa cũng dành cho chúng con. Một linh hồn tội lỗi được Chúa viếng thăm. Xin nhận nơi chúng con lòng sám hối chân thành và ước muốn sửa đổi chính mình nên hoàn thiện hơn. Xin giúp chúng con không chỉ khóc lóc ăn năn vì tội lỗi của mình mà còn biết bù đắp lại bằng chính tình yêu của chúng con. Xin giúp chúng con biết sống tha thứ cho nhau, biết quên đi lầm lỗi của nhau, và biết dùng tình yêu và lòng kiên nhẫn để giúp nhau làm lại cuộc đời.
Lạy Chúa, mỗi người chúng con đều là tội nhân được Chúa yêu thương, xin giúp chúng con biết đón nhận nhau trong bao dung và tha thứ. Và xin loại trừ nơi chúng con những cái nhìn thiếu cảm thông và thái độ bất khoan dung với tha nhân. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)


Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

Thập Giá Giữa Đời Hôm Nay

Thập Giá Giữa Đời Hôm Nay
Tôi vừa nhận được một video clip do một người bạn gửi qua email. Nội dung clip này ghi lại cảnh những binh lính thuộc tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) giết hại những Kitô hữu tại Syria. Hàng chục người tín hữu tay bị trói và bị bắt quỳ trên đất, những người lính bịt mặt dí súng vào đầu họ rồi bóp cò, trong lúc hàng trăm người khác nhảy mừng tung hô như những kẻ say máu. Tôi không thể xem hết những hình ảnh này, vì nó quá dã man và kinh hoàng. Chúa ơi, tại sao những người này lại tàn sát các tín hữu của Chúa một cách ghê rợn? Không thể tưởng tượng tại sao những hành động như vậy lại đang xảy ra trên hành tinh của chúng ta ở thế kỷ 21, khi mà con người không ngừng kêu gọi ngưng bạo lực và bảo vệ nhân quyền, thậm chí là bênh vực và bảo vệ những loài động vật. Không chỉ giết hại những người công giáo, những hình ảnh do chính nhóm Nhà nước Hồi giáo phát tán trên internet còn cho thấy những cuộc tàn sát dân lành, trẻ em và phụ nữ tại Iraq và Syria. Từng đoàn người đang bỏ lại đàng sau quê hương xứ sở của mình để lên đường tỵ nạn tới một nơi vô định và một tương lai mù mịt.

Trong những ngày qua, dư luận thế giới bàng hoàng trước việc binh lính Nhà nước Hồi giáo giết hại hai nhà báo người Mỹ là James Wright Folley 40 tuổi và Steven Sotloff, 31 tuổi. Hai nhà báo này đã bị giết hại bằng hình thức chặt đầu, như thời trung cổ.. James Wright Folley bị giết ngày 19-8-2014 và Steven Sotloff bị giết ngày 2-9-2014. Sự kiện này cùng với bạo lực ngày càng nghiêm trọng đã khiến cho tổng thống Mỹ Obama hôm 10-9 thề sẽ tiêu diệt hoàn toàn nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.
Không chỉ những Kitô hữu ở Syria hay ở vùng Trung Đông, những nhà truyền giáo và hoạt động tông đồ đang bị bách hại và giết chết ở nhiều nơi trên thế giới. Ngày chúa nhật 7-9 vừa qua, ba nữ tu cao niên, cả đời phục vụ người nghèo ở Phi châu, chị Lucia Pulici 75 tuổi, và Olga Raschietti 83 tuổi, bị cắt cổ chiều Chúa nhật trong tu viện ở Kamenge, ngoại ô Bujumbura của Burundi. Sau đó, nữ tu Bernedetta Boggian, 79 tuổi, từ hơn 44 năm nay phục vụ tại Trung Phi, Congo và Burundi, cũng bị chém đầu trong đêm hôm ấy.
Trước tình hình bạo động và tàn sát các Kitô hữu tại một số nước vùng Trung Đông, Đức Thánh Cha đã cử vị Đặc sứ của Ngài là Đức Hồng Y Filoni, Tổng trưởng Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, đến tham và ủy lạo các cộng đoàn tín hữu tại Iraq từ ngày 13 đến ngày 20-8-2014. Đức Hồng Y đặc sứ đã trình bày với Đức Thánh Cha về tình trạng thê thảm tại Iraq: các làng mạc bị bỏ hoang vì người dân lành bị xua đuổi. Các nhà thờ bị tàn phá. Người dân ở đây thiếu thốn mọi nhu cầu cần thiết cho cuộc sống hằng ngày và bạo lực mỗi ngày một gia tăng.
Khi tàn sát dã man những người dân vô tội, những người Hồi giáo dòng SITE gọi cuộc khủng bố của họ là một cuộc thánh chiến. Họ mượn danh Thiên Chúa để làm điều ác. Họ phong chức “tử đạo” cho những binh lính chết trong khi tham gia những cuộc bạo loạn này! Con người không ngừng nhân danh Chúa để tàn sát lẫn nhau. Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta: “Sẽ đến giờ mà kẻ nào giết anh em cũng tưởng đó là phụng thờ Thiên Chúa” (Ga 16,2).
Người Do Thái đã kết án Chúa Giêsu khổ hình thập giá. Người đã chịu chết trên thập giá để biểu lộ tình yêu thương của Chúa đối với nhân loại. Trải qua hơn 20 thế kỷ, con người vẫn không ngừng ghen ghét sát hại những người tin Chúa. Thập giá ngày hôm nay vẫn đang hiện diện nơi cuộc đời, khi con người đối xử tệ bạc với nhau. Thập giá hiện diện nơi gia đình khi sự chung thủy và tình yêu bị phản bội. Thập giá hiện diện nơi cộng đoàn giáo xứ khi mọi người chia rẽ và thù ghét nhau. Thập giá hiện diện nơi cuộc đời, khi con người đối xử với nhau bằng mưu mô tính toán và ích kỷ hẹp hòi. Thập giá vẫn còn đó và chúng ta được mời gọi hãy mang thập giá cho nhau bằng cách hãy sống với nhau cách trung thực, nhân hậu. Đừng tăng thêm gánh nặng cuộc đời cho anh chị em mình, vì cuộc đời đã là một gánh nặng khó vác.
Trong bối cảnh xã hội vùng Trung Đông và trên thế giới hôm nay, chúng ta là những Kitô hữu được mời gọi hiệp thông cầu nguyện cho những anh chị em của chúng ta đang phải vác thánh giá. Sứ mạng làm chứng và tử đạo luôn luôn gắn liền với cuộc đời Kitô hữu. Đây đó trên thế giới này, luôn luôn có những cuộc tàn sát đẫm máu vì lý do sắc tộc hoặc lý do tôn giáo. Thế gian ghen ghét các môn đệ của Chúa, như họ đã ghen ghét và lên án tử cho Người. Người Kitô hữu chân chính là người biết nhìn lên thập giá để mỗi ngày, để nhận ra sự hiện diện của Đấng đã chịu treo trên đó, đồng thời cảm nhận tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngắm nhìn thập giá cũng giúp chúng ta tìm được sức mạnh để bước đi trong cuộc đời đầy gian nan thử thách này, nhờ đó mà chúng ta vững tin như Chúa nói với chúng ta:“Hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16,33).
Lạy Chúa, chúng con cầu xin cho anh chị em chúng con đang chịu bách hại trên khắp thế giới. Xin Chúa thêm sức cho họ, để họ biết chiến thắng bạo lực bằng tình yêu thương và tha thứ.
Xin Chúa giúp chúng con vác thập giá cuộc đời hôm nay, để nhờ ơn Chúa, chúng con cũng biết vác thập giá giúp anh chị em chúng con. Amen

+Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN

THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN (05/09/2014 )
Lc 5,33-39



Khi ấy, những người Pharisêu và những kinh sư nói với Đức Giêsu: “Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pharisêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!” Ðức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.” Ðức Giêsu còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với cũ. Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm hư bầu, rượu sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới. Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: Rượu cũ ngon hơn.”

Suy niệm: Thật điên rồ khi làm hỏng một chiếc áo mới mà không ‘cứu’ được chiếc áo cũ. Mất cả chì lẫn chài! Xem chừng không làm gì cả lại tốt hơn. Chúa dạy về hành động phù hợp, đúng đắn. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đang tha thiết mời gọi Hội Thánh phải sống và làm sứ mạng sao cho phù hợp với hoàn cảnh thế giới và con người ngày nay. Ngài kêu gọi một cuộc hoán cải mục vụ và canh tân sứ mạng: “Trên đường lữ hành, Hội Thánh được Chúa Kitô mời gọi canh tân luôn mãi, một sự canh tân mà Hội Thánh, vì là một định chế nhân trần, bao giờ cũng cần đến” (Niềm Vui Tin Mừng, 26). Ngài nhận định rằng thái độ nhắm mắt lặp lại mọi sự y như cũ là thái độ tự mãn, và ngài “kêu mời mọi người mạnh dạn và sáng tạo trong việc suy xét lại các mục tiêu, cơ cấu, phong cách và phương pháp thi hành sứ mạng tại các cộng đoàn của mình” (số 33). Đức Thánh Cha nhấn mạnh nguyên tắc của cuộc canh tân là nêu bật cho được điều cốt yếu, tức tâm điểm của Tin Mừng, qua đó làm “tỏa sáng vẻ đẹp của tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Kitô” (số 36).
Mời Bạn xem xét lại tính phù hợp và đúng đắn của cách sống đạo của mình, của vai trò mình đảm nhận trong Giáo Hội. Đời sống của tôi có đang là chứng tá Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô cho con người và xã hội chung quanh mình không? Tôi cần điều chỉnh những gì để trở nên phù hợp và đúng đắn?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con biết sống sao cho đúng với danh nghĩa do ơn gọi Phép Rửa của mình là men, muối và ánh sáng cho đời. Amen.

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Chúa nhật 22 TN A (Mt 16, 21-27)

Chúa nhật 22 TN
Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?

  
I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

(Mt 16, 21-27)
Từ lúc đó, Ðức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Ðức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Xatan, lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.
Rồi Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.”

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ 


Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất. Nhưng làm thế nào để được và không mất thì không phải ai cũng biết cách làm. Vì không phải cứ thu vào là được. Không phải cứ buông ra là mất. Trái lại rất nhiều khi phải chịu mất trước rồi mới được sau. Mất nhỏ để được lớn. Mất ít để được nhiều. Đó hầu như là qui luật trong đời sống hằng ngày. Ta dễ hiểu điều này trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay. Nhà đầu tư muốn được lợi nhuận cao, sẽ không giữ kỹ tiền của trong nhà, buộc chặt lại rồi đem chôn giấu đi, trái lại phải huy động hết vốn liếng hiện có trong nhà đổ vào đầu tư. Vốn lớn thì lời mới lớn.

Muốn được phải chịu mất trước. Đời sống đạo đức không đi ra ngoài qui luật đó. Chúa Giê su dạy ta : “Ai muốn theo Thày, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mà theo”.
Đi theo Chúa là đi vào con đường của Chúa.

Con đường của Chúa là con đường từ bỏ. Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc từ bỏ không ngừng. Từ bỏ trời để xuống đất. Từ bỏ địa vị Thiên chúa để làm người. Từ bỏ cuộc sống an nhàn nơi thôn làng để đi vào cuộc phiêu lưu rao giảng Tin Mừng. Từ bỏ cứu thế bằng con đường dễ dãi  do ma quỉ xúi giục, để đi vào con đường chật hẹp khó khăn theo ý Đức Chúa Cha. Cuộc từ bỏ cam go nhất chính là từ bỏ ý riêng mình. Đó là một cuộc chiến khốc liệt khiến Người phải toát mồ hôi máu. Nhưng Người đã đi đến cùng con đường từ bỏ. Hình ảnh Người chết treo trần trụi trên thánh giá là hình ảnh một người từ bỏ tất cả đến tận cùng. Không còn một chút hơi thở. Không còn một giọt máu. Không còn một chút danh dự. Không còn gì cả.

Con đường của Chúa là con đường thánh giá. Người đã ôm lấy thánh giá và vác. Không phải chỉ là thánh giá gỗ trên đường lên Núi Sọ, nhưng là thánh giá cuộc sống trải dài suốt đời người. Thánh giá kiếp người. Thánh giá kiếp nghèo. Thánh giá bị chống đối. Thánh giá bị hiểu lầm. Thánh giá bị bỏ rơi. Thánh giá bị phản bội. Thánh giá thách thức. Thánh giá thất bại. Thánh giá oan ức. Thánh giá tủi nhục. Thánh giá cô đơn. Thánh giá nặng lắm nên nhiều lần Người ngã xuống. Thánh giá ghê sợ lắm nên Người đã có lần muốn chối bỏ. Nhưng rồi Người lại đứng lên tiếp tục vác đi cho đến cùng, cho trọn con đường.

Nhưng nếu đường của Chúa Giê su chỉ dừng tại đây thì đó là một con đường bế tắc. Nếu định mệnh của Chúa Giê su kết thúc tại Núi Sọ thì đó là một định mệnh diệt vong. Không con đường của Chúa còn là con đường phục sinh. Định mệnh của Chúa là một định mệnh vinh quang.

Con đường thánh giá là con đường dẫn đến phục sinh. Con đường từ bỏ là con đường dẫn đến vinh quang. Phải qua sự chết mới đến sự sống. Phải qua tủi nhục mới đến vinh quang. Phải qua gian khổ mới đến hạnh phúc. Thánh Phao lô đã hiểu biết tường tận con đường của Chúa nên đã nói : “Chúa Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa"”  (Pl 2:6-11).

Cũng thế, khi mời gọi ta bước theo Người, Người không muốn ta đi vào tàn lụi diệt vong, nhưng muốn ta triển nở đến viên mãn. Nên Người nói tiếp : “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”.

Như thế từ bỏ không phải để mất mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo và cao cả phong phú hơn gấp bội. Mất hiện tại để được tương lai. Mất đời này để được đời sau. Mất phàm tục để được thần thiêng. Mất tạm bợ để được vĩnh cửu.
Thánh Phanxicô Khó Nghèo đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ : “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ mình để được chính Chúa, nguồn mạch hạnh phúc của con.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

1- Mất trước được sau. Bạn áp dụng câu này trong đời sống đạo thế nào ?

2- Chúa Giêsu mời gọi : “Ai muốn theo Thày, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo”. Bạn nghĩ sao về đòi hỏi này của Chúa, có quá khắt khe không ?


3- Hạnh phúc không có sẵn nhưng phải phấn đấu mới đạt được. Bạn có tâm đắc điều này không ?

Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Cái Chết Của Thánh Gioan Tẩy Giả

29/08/2014 Th. Gio-an Tẩy Giả bị trảm quyết (Mc 6,17-29)

“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”

Cái Chết Của Thánh Gioan Tẩy Giả


 Qua lệnh truyền của một bạo chúa, một chiếc gươm gieo, một chiếc đầu rơi trong ngục tối. Ðó là những diễn tiến đã kết thúc cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả, một biến cố mà Giáo Hội mời gọi chúng ta tưởng niệm hôm nay.
Chúng ta đã thấy một lời thề thiếu khôn ngoan, một quan niệm thiển cận về danh dự của một bạo chúa cũng như lòng hận thù của một hoàng hậu lăng loàn đã đưa Gioan Tẩy Giả vào cái chết. Nhưng đây là cái chết đã nâng ngài lên cao trên đài danh vọng, danh vọng của các vị tiên tri đích thực, vì Gioan cũng bị đau khổ, giam cầm và chết vì lời mình rao giảng.
Gioan Tẩy Giả cũng đã tự ví mình là "tiếng kêu trong xa mạc: Hãy dọn đường lối cho ngay thẳng" và ngài đã đóng trọn vai trò này qua việc tích cực rao giảng và làm Phép Rửa thống hối. Tích cực vì ngài đã dám vạch mặt chỉ tên những vấp phạm của tất cả mọi người, không nể nang, không khiếp sợ, kể cả những tội lỗi của các vua chúa là những người nắm toàn quyền sanh sát thời bấy giờ, cụ thể là tội loạn luân của vua Hêrôđê và hoàng hậu Hêrôđiađê.
Qua đó, Gioan Tẩy Giả đã sống để nói lên sự thật và đã chết để bảo vệ sự thật: sự thật về hiện tình của xã hội, sự thật về thực trạng của từng cá nhân và sự thật về chính mình. Gioan tuyên bố rõ ràng ngài không phải là Ðấng Cứu Thế, nhưng chỉ là người được kêu gọi để đóng vai trò Tiền Hô chuẩn bị cho ngày Ðấng Cứu Tinh sẽ đến.
Mọi Kitô hữu chúng ta cũng được kêu mời để đáp lại tiếng gọi. Và mặc dù không ai có thể tái diễn vai trò của thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng mọi Kitô hữu phải tiếp diễn sứ mệnh của ngài trong mọi hoàn cảnh mình đang sống. Ðó là sứ mệnh làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.
“Máu các thánh tử đạo là hạt giống làm trổ sinh các tín hữu.” Lạy Chúa, xin giúp con biết từ khước những thói hư tật xấu, chết cho ý riêng con mỗi ngày để luôn sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Amen.